Thí điểm giữ trẻ ngoài giờ: Phụ huynh "dài cổ" đợi

Năm học 2016-2017, một số trường mầm non (MN) công lập tại TP.HCM thí điểm giữ trẻ ngoài giờ đến 17g30 mỗi ngày và giữ cả ngày thứ Bảy cho con em công nhân. Tin này khiến nhiều phụ huynh (PH) vui mừng, nhưng niềm vui chưa tày gang, họ lại phải đưa con quay lại nhóm trẻ tư, vì các trường công vẫn loay hoay với mô hình mới.


Cánh cửa hẹp
Ngay khi năm học bắt đầu, có khoảng 30 trẻ là con em công nhân đã đăng ký vào Trường MN Hoa Đào (Q.Thủ Đức) phải xin rút về học ở các trường MN tư thục, nhóm lớp bên ngoài vì trường chưa sắp xếp được đội ngũ trông trẻ ngoài giờ. Ban giám hiệu nhà trường cho rằng, đây là thiệt thòi lớn cho PH mà trường cũng chưa biết xoay xở cách nào.


Thực tế, nhà trường đã triển khai, giáo viên (GV) và các lực lượng nhân viên của trường cũng đã cố gắng giữ trẻ thêm ngoài giờ và cả ngày thứ Bảy cho PH dù chưa có hướng dẫn hỗ trợ việc làm thêm ngoài giờ, song trường chỉ có thể sắp xếp cho khoảng 100 cháu.


Năm học này, TP.HCM có hai quận thực hiện thí điểm giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân là Bình Tân và Thủ Đức, cụ thể tại các trường MN 30/4 (KCN Vĩnh Lộc, Q.Bình Tân), MN Hoàng Yến (KCX Linh Trung I, Q.Thủ Đức) và MN Hoa Đào (KCX Linh Trung II, Q.Thủ Đức).


Rất nhiều công nhân là PH có con trong độ tuổi đi học vui mừng khi thấy trường MN công lập tươm tất, sạch đẹp mở cửa đón con em mình với học phí khá rẻ... nên đã nhanh chóng đăng ký. Nhưng ngay sau đó, họ đã phải thất vọng.


Chị Như Ý, công nhân Công ty Pou Yuen (Q.Bình Tân) ngậm ngùi cho con trở lại nhóm trẻ gần nhà vì trường MN 30/4 chỉ có vài chục suất gửi trẻ ngoài giờ. Đại diện những trường này thẳng thắn, không phải trường làm khó PH, mà các trường cũng đang "kẹt cứng" vì phải chờ hướng dẫn từ cấp trên. Các trường đều vướng trong việc buộc GV, nhân viên và cả bộ máy làm thêm ngoài giờ.


Cô trò Trường MN Hoàng Yến (KCX Linh Trung I - Thủ Đức)


Trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM vào ngày 14/10 vừa qua, bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng phòng Giáo dục MN Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Nhu cầu gửi con ngoài giờ của công nhân tại các KCN-KCX là hơn 6.000 trẻ. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết nhu cầu thỏa đáng cho công nhân, người lao động, nhưng cũng phải lưu ý đến nguyện vọng của GV vì làm thêm là việc tự nguyện. Vì vậy, công đoàn các KCN-KCX phải có trách nhiệm phối hợp xem xét, giải quyết cho những trường hợp thực sự cần thiết chứ nhà trường không thể giải quyết tất cả".


Theo Phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức, chủ trương của TP nhận giữ trẻ ngoài giờ đến 17g30, nhưng trường phải lên kế hoạch giữ trẻ đến 18g30 - giờ tan ca của công nhân, mới đáp ứng nhu cầu đi làm theo ca kíp của công nhân. Hơn nữa, Q.Thủ Đức đang thiếu 56 GV MN, dù đã qua hai đợt tuyển dụng và tuyển cả diện KT3. Hiện cả hai trường của Thủ Đức chỉ mới nhận giữ trẻ thứ Bảy, chưa thể nhận giữ trẻ ngoài giờ.


Tương tự, đại diện Trường MN 30/4 (Q.Bình Tân) cho biết, trường được chọn thí điểm nhận giữ trẻ ngoài giờ với hai lớp. Hiện trẻ được học đến 17g30 và ngày thứ Bảy nhưng trường cũng đang nóng lòng chờ hướng dẫn về chế độ tài chính và hỗ trợ cho GV để kịp thông báo đến PH.


Chờ đến bao giờ?
Cũng trong buổi làm việc với đoàn khảo sát của Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM, bà Trương Thị Việt Liên cho biết, kế hoạch giữ trẻ ngoài giờ này đang phải chờ các sở, ngành góp ý và UBND TP.HCM phê duyệt rồi mới ban hành được. Hơn nữa, việc hỗ trợ này gặp khó khi tính toán bố trí GV giữ trẻ ngoài giờ sao cho đúng với quy định của Luật Lao động. Đặc thù của nghề GV MN là làm việc từ 6 giờ đến 16 giờ 30, nghĩa là thay vì làm 8 tiếng thì các cô phải làm tới 10 tiếng/ ngày (trừ 30 phút ăn trưa).


"Theo Bộ luật Lao động, GV làm thêm không quá 200 giờ/năm, nhưng với kế hoạch giữ trẻ ngoài giờ, các cô làm thêm đến 525 giờ/ năm. Vậy chế độ chính sách phải như thế nào để không vi phạm Luật Lao động", bà Liên cho hay.


Về vấn đề này, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM, cho rằng: việc GV làm thêm không quá 200 giờ/năm phải đảm bảo đúng. Các trường có thể ghép các nhóm lớp lại thành một lớp có nhu cầu giữ trẻ ngoài giờ để phân bổ thời gian, có thể tổ chức luân phiên GV, nhân viên nuôi dưỡng trẻ. Thực tế, muốn giữ trẻ ngoài giờ thì bắt buộc phải chia ca để GV làm thêm mà không vượt giờ quy định. Chính sách này đã được Sở GD-ĐT xây dựng nhưng phải chờ góp ý của Sở Tài chính và Sở Nội vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm này Sở GD-ĐT vẫn chưa nhận được câu trả lời của hai sở trên.


Để có đủ GV làm theo ca, ngành giáo dục đề nghị Sở Nội vụ bổ sung thêm định biên GV theo Thông tư 06 liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ (2,5 GV/ lớp đối với nhóm trẻ và 2,2 GV/ lớp đối với mẫu giáo) nhưng hiện nay Sở Nội vụ mới cấp định biên cho hai nhóm này là 2,0 GV/ lớp nên rất khó đủ GV để chia ca. Ngoài ra, Sở Nội vụ TP cũng phải bổ sung định biên nhân viên nuôi dưỡng theo thông tư này với tỷ lệ 30- 50 trẻ/1 nhân viên nuôi dưỡng (lệ này trên thực tế vào khoảng 100 trẻ/1 nhân viên nuôi dưỡng).


Ngoài việc giải quyết bài toán về sắp xếp giờ làm theo ca kíp đúng với Luật Lao động thì việc sử dụng ngân sách nào để hỗ trợ GV giữ trẻ ngoài giờ cũng chưa có quyết định chính thức. Năm học đã đi qua gần một nửa, nhưng các trường vẫn trong thế bị động. Việc "chờ qua chờ lại" giữa các sở ngành khiến các cô giữ trẻ nhưng không an tâm, còn PH và các cháu bé thì tiếp tục thiệt thòi.


Theo PNO