Đào tạo mới 91.000 giáo viên mầm non theo yêu cầu đổi mới giáo dục
Đó là thông tin được đưa ra trong Dự thảo đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2016 -2020, định hướng đến năm 2025". Đề án sẽ trình lên Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Vừa qua, Bộ GD - ĐT cũng tổ chức hội nghị về vấn đề tào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Ảnh: HG
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Đề án Đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 sẽ được trình lên Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.
Điểm nổi bật nhất của đề án là nhằm cải thiện tình trạng chất lượng đội ngũ giáo viên mầm non và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non giai đoạn 2016 - 2020, đề án yêu cầu bổ sung đào tạo mới 91.700 giáo viên mầm non theo yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đề án Đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025 là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm tập trung nguồn lực, giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ nhằm khắc phục những tồn tại bất cập của đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non trong công tác đào tạo và bồi dưỡng nguôn nhân lực của giáo dục mầm non hiện nay.
Báo cáo về thực tế giáo dục mầm non bà Nguyễn Thị Thúy Hồng, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục - cho biết: Năm học 2015- 2016, toàn quốc có 442.697 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên và nhân viên (tăng hơn 103.000 so với năm học 2010- 2011). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chiến lược phát triển giáo dục mầm non, đi vào tập trung đổi mới đồng bộ các yếu tố của chương trình giáo dục mầm non về mục tiêu, nội dung, phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục cho trẻ theo hướng lấy trẻ làm trung tâm.
Tuy nhiên, một bộ phận giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được các nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ của xã hội như: số lượng còn thiếu, chất lượng chưa đồng đều giữa các vùng miền, nhiều giáo viên mầm non còn thiếu hiểu biết về tâm sinh lý trẻ và các lỹ năng thực hành nghề nghiệp, nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm nghề nghiệp chưa cao.
Bà Thúy Hồng cho biết, dù hệ thống các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non cơ bản đảm bảo về chuẩn đào tạo. Nhưng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non có những hạn chế như: chương trình, nội dung, hình thức đào tạo chưa phù hợp. Mạng lưới các trường sư hiện nay chưa đáp ứng đủ các yêu cầu về tốc độ và chất lượng phát triển của hệ thống giáo viên mầm non. Chương trình, tài liệu, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non chậm đổi mới.
"Thêm vào đó, giáo dục mầm non ở Việt Nam cần tiếp cận với xu thế của thế giới bằng cách hướng đến việc hình thành năng lực nghề nghiệp cho giáo viên tương lai trên cơ sở xây dựng hệ thống chuẩn đầu ra. Chương trình đào tạo cần kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành và gắn với thực tiễn giáo dục trẻ ở trường mầm non", bà Thúy Hồng nói.
Nếu thực hiện theo định hướng đổi mới, sau khi tốt nghiệp, các sinh viên phải làm trợ giáo tại các trường mầm non 2 năm, sau đó đến một cơ quan kiểm định độc lập đánh giá, nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn kiểm định, sinh viên được cấp chứng chỉ hành nghề và sau đó mới đủ điều kiện làm giáo viên chính thức.
Việc đào tạo chủ là hình thành năng lực nghề nghiệp ban đầu. Việc bồi dưỡng được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm đáp ứng theo nhu cầu học tập của người học, được cấp chứng chỉ hành nghề sau khi kiểm tra đạt được những yêu cầu mới.
Theo GD&TĐ