Nỗi lo từ những nhà trẻ tự phát mọc tràn lan
Đây là một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với hàng chục nhà máy, xí nghiệp cũng kéo theo hàng trăm, hàng ngàn công nhân đổ về đây làm ăn sinh sống. Sự phát triển này dẫn đến tình trạng bất cập và khó kiểm soát, trong đó vấn đề về nhóm trẻ tự phát mọc lên trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh, không đảm bảo về chất lượng giáo dục đang là vấn nạn nhức nhối.
Phòng học của cơ sở chật chội...
Tận dụng nhà ở làm nơi giữ trẻ, khuôn viên sân chơi cho các em diện tích quá hẹp, đồ chơi chỉ đếm trên đầu ngón tay - đó là thực trạng của cơ sở mầm non tư thục Th.Tr, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành.
Bà Ph.Th.H.S., chủ Cơ sở mầm non Th.Tr. cho biết, để cải thiện kinh tế cho gia đình cũng như tạo công ăn việc làm cho con gái và cháu gái trong gia đình đang theo học ngành mầm non sau này ra trường sẽ quản lý, gia đình tự mở nhóm trẻ này.
Hiện cơ sở có khoảng 7 người đang trông giữ trên 40 bé với độ tuổi từ 2-5 tuổi. Tuy số lượng các bé được gửi đông nhưng cơ sở vẫn chưa có giấy phép hoạt động. Hiện cơ sở đang làm hồ sơ để xin cấp phép nhưng do giáo viên chưa đủ nên phải chờ bổ sung. Để thu hút trẻ em tới gửi, nhóm trẻ này nhận trông các bé tới 8 giờ tối để đáp ứng nhu cầu tăng ca của công nhân làm việc tại các công ty.
Từ Phú Mỹ, chúng tôi đi ghi nhận tại địa bàn xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành. Tại Cơ sở mầm non H.Ng, khi mới bước vào khuôn viên của cơ sở, một mùi hôi, tanh nhẹ xộc lên mũi, trên nền nhà, sữa trộn lẫn với nước tiểu.
Vào trong một chút, hơn 10 trẻ đang ngồi ăn cơm trưa ngay trong gian bếp, xung quanh là xoong chậu, chai lọ gia vị, rác ngổn ngang, ruồi nhặng bâu đầy. Nguy hiểm hơn, bình gas nấu để ngay trong bếp. Tại cơ sở này, có hơn 40 trẻ nhưng chỉ có 4 người (kể cả tạp vụ). Bà Ng.Th.H, chủ Cơ sở mầm non H.Ng thừa nhận, cơ sở không có phòng ăn riêng cho trẻ nên phải để trong bếp. Bà H hứa sẽ khắc phục trong thời gian tới.
Theo quy định của ngành, trẻ dưới 4 tuổi mỗi lớp từ 20-25 em, 4 tuổi từ 25-30 em, từ 5 tuổi 30-35 em. Mỗi lớp như vậy phải có 2 giáo viên có chuyên môn về mầm non. Tuy nhiên, hầu như các cơ sở chưa được cấp phép, giáo viên còn thiếu nhiều hoặc người trông giữ trẻ không có năng lực chuyên môn.
Mặc dù biết các nhóm trông giữ trẻ hoạt động không phép mất an toàn, điều kiện vệ sinh, chăm sóc trẻ không đảm bảo nhưng nhiều công nhân ở huyện Tân Thành vẫn phải mang con đến gửi vì "2 không"; đó là: không có hộ khẩu, không đủ tuổi được gửi trường công. Hơn nữa, công việc của họ thường đi sớm, về khuya lại không có người thân phụ trông con nhỏ.
Trong khi đó, các trường mầm non công lập hoặc trường tư thục được cấp phép thời gian trông trẻ lại bó buộc từ 6 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút hàng ngày.
Chị Ng. Th. C. (thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) bày tỏ: "Chúng tôi cũng không còn cách nào khác là phải gửi con em ở các nhóm trẻ gia đình bởi không xin được vào trường công và chúng tôi thường phải tăng ca đến 8, 9 giớ tối mới về nên không thể gửi trường công".
Bà Tống Thị Tuyết Hồng, chuyên viên phụ trách Khối mầm non thuộc Phòng GD&ĐT huyện Tân Thành cho biết, nếu tại các cơ sở mầm non chưa được cấp phép không bảo đảm vệ sinh thì sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe của các trẻ.
Hiện nay, trên địa bàn huyện còn 8 cơ sở mầm non tự phát với trên 300 trẻ tập trung tại các xã Mỹ Xuân, Tân Hải, Tân Phước và thị trấn Phú Mỹ. Ông Nguyễn Tuất Hinh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Thành cho biết, hiện nay, số lượng trường mầm non công lập không đủ nhu cầu gửi con của người dân.
Trong khi đó, huyện Tân Thành có nhiều khu công nghiệp với lượng công nhân đông nên nhiều trường dân lập xuất hiện. Đa số các trường mầm non tư thục chưa đáp ứng được các yêu cầu đặt ra nên phòng chưa cấp phép.
Bên cạnh đó, cũng có một số cơ sở mầm non tư thục đáp ứng đầy đủ về cơ sở vật chất, giáo viên, chế độ dinh dưỡng nhưng do vướng quy hoạch nên chính quyền địa phương không cấp phép. Phòng học của các nhóm trẻ này đa phần đều chật chội, công trình vệ sinh, bếp ăn đều không đạt chuẩn; người trông giữ trẻ phần lớn đều không qua đào tạo nghiệp vụ.
Qua thực tế cho thấy, việc quản lý các nhóm trẻ này hiện đang bị buông lỏng, chưa được các địa phương giám sát chặt chẽ. Để quản lý chặt chẽ, chính quyền địa phương cần phối hợp chặt với Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện rà soát, kịp thời chấn chỉnh những nhóm trẻ này.
Đối với các nhóm trẻ đủ điều kiện, các địa phương cũng cần cấp phép hoạt động để trẻ được giáo dục bài bản theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Đối với nhóm trẻ không đủ điều kiện và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ phải cho dẹp bỏ. Bên cạnh đó, phụ huynh khi gửi trẻ cần tìm hiểu các nhóm trẻ gia đình để tránh những rủi ro ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
Theo GD&TĐ